Loading...

Đề xuất nhiều tiêu chuẩn mới khi bổ nhiệm công chứng viên

(PLO)- Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã giảm bớt thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ năm năm xuống ba năm…

Vừa qua, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2024 (ngày 9-2), Chính phủ cho biết cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật với nhiều yêu cầu cụ thể, trong đó có việc rà soát các quy định nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên (CCV).

“Siết” tiêu chuẩn trở thành CCV với luật sư, thẩm phán…

Trước đó, theo dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Bộ Tư pháp công bố ngày 21-12-2023, một trong những điểm mới đáng chú ý là điều kiện bổ nhiệm CCV, đào tạo nghề công chứng và thời gian tập sự hành nghề công chứng.

Người dân tới văn phòng công chứng làm hồ sơ. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cụ thể, dự thảo luật đã bãi bỏ quy định một số đối tượng đặc biệt như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đã có thời gian làm việc/hành nghề từ năm năm trở lên chỉ cần học lớp bồi dưỡng nghề công chứng ba tháng, được miễn đào tạo nghề công chứng. Thay vào đó, dự thảo luật đã quy định những đối tượng đặc biệt này phải học khóa đào tạo nghề công chứng là sáu tháng.

Dự thảo cũng quy định thống nhất về thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả đối tượng tập sự (quy định hiện hành các đối tượng như thẩm phán, kiểm sát viên… chỉ cần tập sự sáu tháng).

Đáng chú ý, quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV cũng được sửa đổi theo hướng giảm thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên sau khi đã có bằng cử nhân luật xuống còn ba năm.

Dự thảo luật cũng đã sửa đổi, bổ sung liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của CCV.

Cụ thể, bổ sung thẩm quyền cho CCV được chứng thực chữ ký, chứng thực điểm chỉ trong giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký người dịch thay cho các phòng Tư pháp cấp huyện.

Bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có quyền quyết định chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ phòng Tư pháp, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng (điểm e khoản 1 Điều 71).

Những quy định mới nêu trên được cho vừa đẩy mạnh phát triển hoạt động công chứng, vừa giảm tải gánh nặng về công việc, biên chế, ngân sách cho các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã.

Đưa nhiều hoạt động về đúng với bản chất

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, CCV Đào Duy An (Hà Nội) cho biết Luật Công chứng quy định CCV được phép công chứng bản dịch. Tuy nhiên, thủ tục này đòi hỏi sự chặt chẽ, quy trình phức tạp, trách nhiệm cao và chi phí cao.

Qua quá trình thực thi nhận thấy việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng không còn phù hợp mà thuộc phạm vi chứng thực – chứng thực chữ ký người dịch sẽ đúng với bản chất của công việc này hơn, đơn giản hóa quy trình thủ tục, giúp giảm chi phí cho người dân, phù hợp với nhu cầu của xã hội, bảo đảm tính thống nhất về giá trị pháp lý của bản dịch.

“Việc bổ sung các quyền hạn nêu trên (chứng thực chữ ký người dịch thay cho các phòng Tư pháp cấp huyện – PV) của CCV không phải là chuyển giao việc từ cơ quan nhà nước sang các tổ chức hành nghề công chứng mà những công việc này các cơ quan nhà nước vẫn có thẩm quyền thực hiện, hai bên làm song song” – ông An chia sẻ.

Đánh giá về quy định cho phép UBND cấp tỉnh quyết định chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ phòng Tư pháp, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng, ông An cho biết đây là điểm mới được đưa vào luật, quy định này đã luật hóa một số điểm trong Nghị quyết 172/2020 của Chính phủ về định hướng phát triển nghề công chứng đến năm 2030.

Hoạt động chứng thực giao dịch theo Nghị định 23/2015 qua quá trình thực thi có những điểm trùng lặp với hoạt động công chứng. Bản chất đây là nghiệp vụ công chứng, cần được thực hiện bởi CCV. Việc chuyển giao này sẽ giúp cho hoạt động này được thực hiện đúng với bản chất, bởi những người có đầy đủ chuyên môn, nhằm giảm tải cho các cơ quan hành chính, đồng thời bảo đảm tính thống nhất về giá trị pháp lý khi chứng nhận các giao dịch dân sự.

Về điều kiện bổ nhiệm CCV và đào tạo nghề công chứng trong dự thảo, CCV Đào Duy An cho rằng việc sửa đổi luật sẽ phải căn cứ vào thực tiễn. Ở giai đoạn đầu, khi số lượng CCV còn ít, điều kiện về đào tạo và bổ nhiệm CCV được quy định để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề công chứng trong điều kiện nghề này được xã hội hóa.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay cần nâng cao chất lượng của đội ngũ CCV và chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, các điều kiện về đào tạo và bổ nhiệm cần phải được điều chỉnh. Thêm hay bớt điều kiện gì cần căn cứ vào các báo cáo đánh giá việc thực thi Luật Công chứng trong thời gian vừa qua.

“Tôi cho rằng việc quy định bắt buộc phải học khóa đào tạo nghề thay vì bồi dưỡng nghiệp vụ ba tháng cũng như quy định chặt chẽ hơn về thời gian tập sự là cần thiết để bảo đảm chất lượng CCV” – CCV Đào Duy An nói.

Ông An cũng chia sẻ tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trong Liên minh công chứng Latinh như Pháp, Đức, Uzbekistan… điều kiện để trở thành CCV đều cao và yêu cầu về thời gian tham gia hoạt động hành nghề.

Ví dụ ở Đức, CCV phải tập sự hai năm. Tại Việt Nam quy định thời gian công tác pháp luật ba năm hay năm năm không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng là CCV cần có thời gian hoạt động thực tế. Thực tế cho thấy những người đã có thời gian làm việc thực tế tại các tổ chức hành nghề công chứng (thư ký nghiệp vụ, trợ lý CCV) có kết quả khá tốt trong các kỳ thi kết thúc tập sự.

Mỗi nghề là một loại kinh nghiệm

Việc quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là sáu tháng (hiện nay được miễn, chỉ tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng ba tháng), thời gian tập sự là 12 tháng (hiện nay là sáu tháng) cho các đối tượng đặc thù như luật sư, kiểm sát viên… là cần thiết, vì:

Thứ nhất, kỹ năng nghề công chứng với kỹ năng nghề luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên… có nhiều điểm khác nhau. Chẳng hạn, CCV sử dụng các kỹ năng hỏi, nhận dạng chữ viết, con dấu… để xác định được chính xác phạm vi yêu cầu công chứng, chủ thể, năng lực hành vi dân sự, sự tự nguyện thỏa thuận giao dịch… Còn luật sư sử dụng các kỹ năng hỏi, viết, tranh luận… để chứng minh cho yêu cầu giải quyết vụ việc của khách hàng là đúng.

Thứ hai, xuất phát từ chức năng xã hội của CCV là đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa những tranh chấp (Điều 3 dự thảo; Điều 3 Luật Công chứng 2014).

Chính vì vậy, cho dù đã là luật sư hay thẩm phán… thì cũng cần phải được đào tạo bài bản và trải qua thời gian tập sự cần thiết trước khi trở thành CCV để phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

Luật sư NGUYỄN PHƯỚC VẸNĐoàn Luật sư TP.HCM

Giảm thời gian công tác pháp luật là hợp lý

Việc giảm thời gian công tác pháp luật từ năm năm xuống ba năm để bổ nhiệm CCV là hợp lý, vì quá trình từ khi một người có bằng cử nhân luật đến khi đăng ký đào tạo, tập sự hành nghề công chứng và thi kết thúc tập sự đã phải trả qua quá trình làm công tác pháp luật thực tế tương đối dài (khoảng hơn hai năm: 12 tháng đào tạo nghề, 12 tháng tập sự hành nghề).

Hơn nữa, hiện nay tiêu chí có kinh nghiệm công tác pháp luật không phải là tiêu chí duy nhất dựa vào đó để đánh giá chất lượng CCV sau khi được bổ nhiệm mà còn nhiều tiêu chí, điều kiện khác. Quan trọng nhất vẫn là tích cực va chạm với thực tiễn và thời gian tập sự hành nghề nghiêm túc.

Cạnh đó, việc quy định giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm CCV cũng tạo điều kiện cho những người theo và học nghề công chứng được hành nghề, góp phần phát triển cả về chất và lượng đội ngũ CCV.

Đối với việc quy định một số chủ thể đặc biệt khi học nghề công chứng buộc phải học lớp đào tạo nghề công chứng và tập sự 12 tháng sẽ giúp cho các đối tượng này có đủ thời gian tiếp cận thực tế với nghề công chứng để rèn luyện, áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình đào tạo nghề vào thực tiễn, chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hành nghề công chứng sau này.

Luật sư TRẦN VĂN GIỚIĐoàn Luật sư TP.HCM

HỮU ĐĂNG

Nguồn: plo.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *