(PLO)- Vi bằng chỉ có giá trị là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự, không thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực.
Mới đây, phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều hộ dân đang sinh sống tại đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM cho biết đang vô cùng lo lắng vì trót bỏ tiền tỉ mua nhà qua vi bằng.
Theo phản ánh, vì có nhu cầu mua nhà để ở nên khi được quảng cáo nhà giá “vừa phải” họ đã quyết định xuống tiền. Các căn nhà tại đây có diện tích nhỏ, tầm trên dưới 18 m2, giá khoảng 1,8-2,4 tỉ đồng. Người bán nhà là ông TMĐ.
Chia sẻ với PV, bà Trương Thị Thiên Hương cho biết đã ký hợp đồng góp vốn, làm vi bằng về việc mua bán với ông Đ.
Ông Đ cam kết sẽ sớm làm giấy chứng nhận dưới hình thức đồng sở hữu cho bà. Tuy nhiên, đến nay bà và 33 hộ khác tại đây vẫn không có giấy chứng nhận như cam kết, cũng không liên hệ được với người bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Tín, Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông, cho biết địa phương đã nắm được vụ việc và trả lời rõ với người dân những trường hợp nhà với diện tích nhỏ như trên thì không thể tách sổ được.
“Những căn nhà này người dân đã mua bán bằng hình thức lập vi bằng, không qua phường xác nhận. Ông Đ xin giấy phép xây dựng lớn, lúc xây ngăn ra từng căn. Thời điểm đó, việc ngăn như thế không gọi là sai phép nên công trình vẫn được tồn tại” – ông Tín lý giải.
Phân tích rủi ro khi mua nhà qua hình thức lập vi bằng, ThS Ngô Gia Hoàng, giảng viên khoa Luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: “Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 đều quy định các giao dịch về mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các cá nhân với nhau phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng.
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Vi bằng chỉ có giá trị là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật, không thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực.
Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ thừa phát lại không được lập vi bằng để “Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật”.
Những trường hợp mua nhà trên, các hộ dân đã ký với ông Đ hợp đồng góp vốn, không phải hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất.
Vi bằng do thừa phát lại lập chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa án, chứng minh việc các bên đã giao kết hợp đồng góp vốn, có giao nhận tiền… Bằng hợp đồng này, các hộ dân không thể hoàn tất thủ tục sang tên, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, ThS Ngô Gia Hoàng lưu ý người dân phải kiểm tra kỹ thông tin pháp lý của căn nhà có đủ điều kiện để giao dịch hay không.
Cụ thể kiểm tra xem căn nhà có giấy chứng nhận, không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu, đủ điều kiện để tách thửa, làm sổ hay không.
NGUYỄN CHÂU
Nguồn : plo.vn