Loading...

Xác định tài sản chung của vợ chồng đối với doanh nghiệp tư nhân – một số vướng mắc và kiến nghị

TS. NGUYỄN VINH HƯNG

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Hiện nay, việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng khi ly hôn đối với trường hợp một bên vợ, chồng là chủ doanh nghiệp tư nhân thường khá phức tạp và rắc rối. Bởi lẽ, giữa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 với Luật Doanh nghiệp năm 2020 chưa có sự tương thích về vấn đề này. Trong bài viết này, tác giả phân tích vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn đối với doanh nghiệp tư nhân, chỉ ra các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.

1. Trách nhiệm tài sản giữa doanh nghiệp tư nhân với chủ doanh nghiệp tư nhân và tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”[1]. Đây là loại hình doanh nghiệp “chỉ có duy nhất một chủ sở hữu và phải là cá nhân (pháp nhân không được phép thành lập doanh nghiệp tư nhân) và chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp”[2]. Về bản chất, “trách nhiệm vô hạn” được xem là: “sự tận cùng hay đến cùng của việc trả nợ… là tính vô hạn (và thậm chí vĩnh cửu) của nghĩa vụ trả nợ”[3]. Hoặc cũng có thể quan niệm: “thứ trách nhiệm tới cùng và vô hạn định đó được gọi là trách nhiệm vô hạn”[4]. “Khi doanh nghiệp tư nhân có nợ nần thì chủ doanh nghiệp phải đem toàn bộ tài sản của mình (không phân biệt là tài sản riêng hay tài sản của doanh nghiệp) để trả cho các chủ nợ”[5]. Diễn đạt theo cách khác, chủ doanh nghiệp tư nhân là người bảo lãnh duy nhất đối với các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Do đó, giữa doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân luôn là một thể thống nhất trách nhiệm về mặt tài sản.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật Hôn nhân và gia đình), khi hai vợ chồng chung sống hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân thì “tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân… Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”[6]. Còn “thời kỳ hôn nhân” được hiểu đó là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân[7]. Về nguyên tắc, mọi tài sản và thu nhập hợp pháp của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Chỉ trong trường hợp có căn cứ để chứng minh tài sản mà bên vợ hoặc bên chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của từng bên thì đó mới được xác định là tài sản riêng của mỗi người[8].

Doanh nghiệp tư nhân “còn được gọi là doanh nghiệp một chủ là một dạng thỏa thuận kinh doanh đơn giản”[9]. Để tăng tính linh hoạt và thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân trong quá trình kinh doanh, pháp luật hiện hành cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê và quyền bán doanh nghiệp này[10]. Có lẽ xuất phát từ lý do chủ doanh nghiệp tư nhân phải “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”[11]. Nghĩa là, mọi tài sản của doanh nghiệp tư nhân cũng là tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Hay doanh nghiệp tư nhân được xác định như tài sản mà người chủ sở hữu của nó đương nhiên có toàn quyền quyết định số phận và vì vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể tự do mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là sự khác biệt giữa doanh nghiệp tư nhân so với các loại hình công ty có trong Luật Doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, để có thể cho thuê doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải có thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành[12]. Còn đối với trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo nguyên tắc: “Hợp đồng bán sản nghiệp thương mại tuân thủ các quy định chung của thương luật và dân luật[13]. Như vậy, việc cho thuê hoặc bán doanh nghiệp tư nhân đều phải lập thành văn bản và có công chứng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khi làm thủ tục công chứng thì liệu người vợ (hoặc chồng) của chủ doanh nghiệp tư nhân có được quyền ký tên cùng chồng (hoặc vợ) trong hợp đồng cho thuê hay hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân hay không? Hay nói cách khác, vợ (hoặc chồng) của chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cùng định đoạt doanh nghiệp tư nhân hay không? Bởi lẽ, doanh nghiệp tư nhân là sản nghiệp thương mại của chủ doanh nghiệp tư nhân mà chủ doanh nghiệp tư nhân còn có nghĩa vụ chung về tài sản với vợ (hoặc chồng) trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, nếu căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Hôn nhân và gia đình thì có thể thấy rằng, người vợ (hoặc chồng) của chủ doanh nghiệp tư nhân cũng có quyền định đoạt tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp. Trên thực tế, các công chứng viên cũng thường yêu cầu cả hai vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân cùng ký tên vào hợp đồng cho thuê hay hợp đồng bán doanh nghiệp tư nhân hoặc thậm chí trong trường hợp dù chỉ bán một phần tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Tuy vậy, ngay bản thân các công chứng viên và những người liên quan cũng đều cảm thấy mơ hồ, khó xử; bởi lẽ, nếu chỉ yêu cầu chủ doanh nghiệp tư nhân ký tên thì lại lo ngại chưa đầy đủ, chặt chẽ. Vì thế, với tâm lý “không bỏ sót”, các công chứng viên thường yêu cầu cả hai vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân đều phải ký tên vào các loại hợp đồng trên. Tuy nhiên, giả thiết rằng, người vợ hoặc người chồng của chủ doanh nghiệp tư nhân đang ở nước ngoài dài hạn hay cố tình gây khó khăn, cản trở đối với việc cho thuê, bán doanh nghiệp tư nhân bằng cách không chịu ký tên thì các hợp đồng trên sẽ không thực hiện được vì vướng mắc giữa quy định của Luật Hôn nhân và gia đình với Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng không đưa ra cách giải quyết cho tình huống trên. Nên điều này đang gây ra rất nhiều khó khăn, phức tạp cho tất cả các bên có liên quan đến việc thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp về cho thuê hoặc bán doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình cho thấy, trong trường hợp nếu xảy ra ly hôn thì vấn đề phân chia tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân thường khá rắc rối, phức tạp. Bởi vì, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, về nguyên tắc, khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng phải được chia đôi. Mặt khác, vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng. Quy định này chỉ có ngoại lệ khi pháp luật về kinh doanh có quy định khác[14]. Tuy nhiên, như đã phân tích, các văn bản pháp luật về kinh doanh hiện hành cũng chưa có quy định đối với trường hợp giải quyết phân chia tài sản giữa doanh nghiệp tư nhân với vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân khi xảy ra tình huống ly hôn nên vấn đề này sẽ rất khó giải quyết. Như vậy, có lẽ nếu xảy ra trường hợp đòi chia tài sản là doanh nghiệp tư nhân khi vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân ly hôn thì hầu hết các Tòa án nhân dân đều sẽ căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình để xử lý. Mặc dù vậy, nếu áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình thì lại làm thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp tư nhân và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, khách hàng khi giao dịch với doanh nghiệp tư nhân. Bởi lẽ, nguyên tắc pháp định, doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với mọi nghĩa vụ tài chính cho các chủ nợ, khách hàng.

Tóm lại, doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân là một thể thống nhất các trách nhiệm pháp lý và gắn bó chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, điều này lại gây khó khăn, rắc rối, phức tạp khi giải quyết các trường hợp phân chia tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc khi thực hiện các giao dịch liên quan đến việc cho thuê hay bán doanh nghiệp tư nhân.

2. Kiến nghị

Thứ nhất, trường hợp đối với doanh nghiệp tư nhân thành lập mới

Có lẽ ngay khi xây dựng và ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 (hiện nay là Luật Doanh nghiệp năm 2020) và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì các nhà làm luật của Việt Nam đã không lường trước sự phức tạp và rắc rối khi xác định tài sản chung của vợ chồng đối với trường hợp của doanh nghiệp tư nhân. Chính vì thế, cho dù cả hai đạo luật quan trọng này được xây dựng và ban hành trong khoảng thời gian tương đối sát nhau nhưng đều chỉ hướng đến những quy định riêng trong từng lĩnh vực và chưa có sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai áp dụng trong những trường hợp nếu như cần có sự phối hợp liên quan đến nhau. Do đó, tác giả cho rằng, để phân định rạch ròi tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản được đưa vào doanh nghiệp tư nhân và nhằm tránh các phức tạp, rắc rối thì cần quy định theo hướng bắt buộc vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân phải làm văn bản thỏa thuận để xác định rõ phạm vi số tài sản đưa vào doanh nghiệp tư nhân. Văn bản này phải được thực hiện trước khi chủ doanh nghiệp tư nhân nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đã kết hôn và còn trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp). Hoặc có thể quy định đó là một trong những điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với doanh nghiệp tư nhân nên có thể bổ sung thêm quy định tại Điều 19 của Luật Doanh nghiệp theo hướng bắt buộc chủ doanh nghiệp tư nhân phải nộp văn bản thỏa thuận về tài sản giữa hai vợ chồng trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân[15].

Ngoài ra, theo tác giả, cần sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp theo hướng: Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi phần tài sản của mình thuộc khối tài sản chung giữa hai vợ chồng (nếu trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đã có vợ, chồng). Liên quan đến vấn đề này cũng cần sửa đổi việc phân chia lợi nhuận của chủ doanh nghiệp tư nhân; trong đó, nếu doanh nghiệp tư nhân kinh doanh có lãi thì chỉ khi doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với chủ nợ và với Nhà nước thì chủ doanh nghiệp tư nhân mới có quyền rút lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Khoản lợi nhuận này đương nhiên thuộc sở hữu chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân nhưng những tài sản thuộc phạm vi sở hữu của doanh nghiệp tư nhân thì khi giải quyết ly hôn, người vợ (hoặc chồng), Tòa án nhân dân “phân chia” theo hướng bảo đảm sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân. Có như vậy, việc giải quyết ly hôn và chia tài sản giữa vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân mới không làm ảnh hưởng đến tài sản của doanh nghiệp tư nhân cũng như gián tiếp tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ nợ. Không những thế, nếu quy định theo hướng xác định rõ ràng trách nhiệm về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản chung của vợ chồng thì việc doanh nghiệp tư nhân tham gia các giao dịch về cho thuê hay mua bán sẽ rất nhanh chóng, đơn giản, thuận lợi và dễ dàng. Bởi lẽ, công chứng viên và các bên liên quan đều có những căn cứ pháp lý vững chắc và rõ ràng để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Từ đó, trong lần sửa đổi, bổ sung sắp tới Luật Doanh nghiệp năm 2020, cần thiết xem xét và nên quy định theo hướng như trên thì sẽ giải quyết tương đối ổn thỏa các mâu thuẫn, bất cập liên quan đến vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng đối với doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, trường hợp đối với các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động

Để xử lý tranh chấp ly hôn chia tài sản đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân đã thành lập và đang hoạt động, tác giả cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao nên nghiên cứu, xem xét và cần ban hành hướng dẫn cho các Tòa án nhân dân cấp dưới về việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp ly hôn đòi chia tài sản là doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, theo tác giả, có thể xem xét việc ban hành một số án lệ về việc xử lý tài sản chung của vợ chồng là doanh nghiệp tư nhân. Qua đó, các Tòa án nhân dân mới có thể áp dụng chung và thống nhất các quy định để xử lý tranh chấp về tài sản là doanh nghiệp tư nhân trong các vụ án hôn nhân và gia đình./. 


[1] Khoản 1 Điều 188 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật Doanh nghiệp).

[2] Nguyễn Vinh Hưng (2017), Doanh nghiệp tư nhân và sự phù hợp với môi trường thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Nghề luật, số 02, tr. 11 – 12.

[3] Nguyễn Như Phát (chủ biên 2011), Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, tr. 33.

[4] Phạm Duy Nghĩa (2009), Luật Doanh nghiệp: Tình huống – phân tích – bình luận, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 40.

[5] Lê Học Lâm và Lê Ngọc Đức (2010), Luật Kinh doanh, Nxb. Thống kê, tr.145.

[6] Khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình.

[7] Khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình.

[8] Khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình.

[9] Nguyễn Thanh Lý (2021), Quy chế pháp lý về doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Tạp chí Nghề luật, số 02, tr. 64.

[10] Điều 191 và Điều 192 Luật Doanh nghiệp.

[11] Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp.

[12] Điều 191 Luật Doanh nghiệp.

[13] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb. Công an nhân dân, tr.183.

[14] Khoản 2, Điều 59 và Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình.

[15] Điều 19 Luật Doanh nghiệp.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (472), tháng 12/2022.)

Nguồn : lapphap.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *