Loading...

 Chủ thể tham gia xác lập giao dịch dân sự

Câu hỏi

Theo nội dung Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Tôi muốn hỏi khi ký kết hợp đồng thì người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải tham gia ký hợp đồng hay không? Sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật ở đây là đại diện ký hợp đồng thay con hay là cùng ký với con hay là hợp đồng chỉ mình con ký và có văn bản đồng ý của cha, mẹ.

Gửi bởi: Nguyễn Như

Trả lời có tính chất tham khảo

Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Điều 19 Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, có thể hiểu trường hợp thực hiện các giao dịch dân sự của người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là việc họ bằng hành động của mình tham gia xác lập vào các giao dịch dân sự. Theo đó, đối với việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vẫn phải tham gia ký tên mình trong hợp đồng.
Việc đồng ý của người đại diện theo pháp luật ở đây phải được hiểu là văn bản xác định có sự đồng ý của họ đối với việc tham gia giao dịch của người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Về mặt lý thuyết, việc người đại diện theo pháp luật (cha mẹ) đại diện ký hợp đồng cho con được coi là quan hệ đại diện trong đó người được đại diện không trực tiếp tham gia xác lập giao dịch dân sự mà giao dịch được xác lập thông qua hành vi của người đại diện. Do đó, khác với trường hợp người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập giao dịch với sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Tương tự việc người đại diện theo pháp luật (cha mẹ) cùng ký tên vào hợp đồng không thể hiện sự đồng ý mà chỉ thể hiện người đại diện theo pháp luật là một bên trong giao dịch hợp đồng. 

Trả lời bởi: Lưu Công Thành – Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật

Nguồn: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *